Cách chữa nấm da đầu ở trẻ em hiệu quả

09:51 - 25.04.2023 - Tác giả: Dầu gội dược liệu Nguyên Vương

Ngày cập nhập 24/09/2023 lúc 10:28

Nấm da đầu là tình trạng viêm nhiễm gây ra khi da đầu bị nhiễm nấm. Bệnh nấm da đầu có thể gặp phải ở mọi lứa tuổi bao gồm cả trẻ em. Bài viết hôm nay sẽ tập trung tìm hiểu nguyên nhân, triệu chứng và những biện pháp điều trị nấm da đầu ở trẻ em.

Nguyên nhân nấm da đầu ở trẻ em

Nấm da đầu ở trẻ em hay còn gọi là hắc lào da đầu hoặc chốc đầu là bệnh lý da liễu thường gặp ở trẻ em nhỏ tuổi, dưới 12 tuổi. Tác nhân gây bệnh nấm da đầu là các loại nấm thuộc nhóm Dermatophytes như nấm Trichophyton, Microsporum và Epidermophyton.

Các loại nấm này xâm nhập vào da đầu và tóc sau đó bùng phát thành bệnh khi gặp các điều kiện thuận lợi như da đầu ẩm ướt, hệ miễn dịch của cơ thể kém…

Trẻ em là đối tượng dễ bị nấm da đầu bởi trẻ nhỏ có sức đề kháng yếu hơn người trưởng thành nên hàng rào bảo vệ da đầu và tóc kém, dễ bị các tác nhân có hại như nấm, vi khuẩn tấn công. Hơn nữa, các bé còn nhỏ nên hầu hết chưa có ý thức về việc giữ gìn vệ sinh và phòng tránh lây nhiễm. Khi tới nhà trẻ, lớp học nếu có các bé khác bị nấm da đầu sẽ dễ dàng bị lây bệnh.

Bệnh nấm da đầu ở trẻ em có thể lây nhiễm qua các hình thức:

Lây trực tiếp từ người sang người hoặc từ động vật sang người

Lây gián tiếp khi da, lông, tóc của trẻ tiếp xúc với các vật dụng nhiễm nấm như lược, mũ, ga, gối…

Triệu chứng khi trẻ bị nấm da đầu

Da đầu xuất hiện các mảng nấm hình tròn hoặc bầu dục có màu trắng xám

Vùng da bị nấm thường bị khô, bong tróc vảy gàu và xuất hiện các nốt sần sùi. Một số chủng nấm gây tình trạng da đầu nổi mụn nước và các mảng sần đỏ.

Rụng tóc xảy ra ở các vùng da đầu bị nấm hoặc tóc gãy rụng sát da dầu thành các chấm đen.

Khi bố mẹ thấy da đầu con xuất hiện một trong các triệu chứng nghi ngờ nấm đầu, cần cho bé đi khám da liễu để có phương hướng điều trị sớm. Nấm da đầu lâu ngày không điều trị sẽ khiến bé cảm thấy ngứa ngáy, khó chịu, tóc rụng và nguy cơ lan rộng xuống các vùng da khác như trán, vành tai, cổ…

Các phương pháp điều trị nấm da đầu ở trẻ em

Sát khuẩn và giữ vệ sinh da đầu

Khi bị nấm, da đầu của trẻ cần được làm sạch thường xuyên bằng cách gội đầu và sử dụng dung dịch sát khuẩn. Tùy vào tình trạng nấm da đầu của trẻ bác sĩ sẽ có chỉ định phù hợp trong việc kết hợp dùng dầu gội kháng nấm và thuốc sát trùng.

Một số loại dầu gội kháng nấm chứa Selenium sulfide, Ketoconazole… có thể được cân nhắc đưa vào liệu trình điều trị nấm da đầu cho trẻ em từ 4 – 5 tuổi trở lên.

Dùng thuốc trị nấm

Trị nấm da đầu cho trẻ nhỏ bằng thuốc cần được bác sĩ khám và kê toa bởi có một số loại thuốc trị nấm không khuyến khích dùng cho trẻ em vì nguy cơ gây ra tác dụng phụ. Các loại thuốc trị nấm thông thường được chỉ định cho trẻ em gồm có:

Thuốc Griseofulvin là thuốc kháng nấm phổ rộng điều trị được nhiều bệnh nấm da, nấm tóc, nấm móng…do các loài nấm Trichophyton, Microsporum, Epidermophyton gây ra. Griseofulvin có thể sử dụng để trị nấm da đầu cho trẻ em trên 2 tuổi với liều lượng 10 mg/kg/ngày thời gian từ 4 – 6 tuần.

Thuốc Terbinafine là một loại thuốc trị nấm có hiệu quả được đánh giá cao trong việc trị nấm da đầu. Thuốc được bào chế ở các dạng viên uống hoặc thuốc bôi ngoài da. Trẻ em dùng thuốc bôi ngoài da mỗi lần/ngày hoặc uống liều nhỏ hơn 125mg/lần/ngày.

Thuốc Azole trị nấm dạng bôi: Các thuốc thuộc nhóm này gồm Ketoconazol, Itraconazol, Fluconazol dùng cho trẻ em theo liều lượng chỉ định của bác sĩ.

Da của trẻ em rất nhạy cảm, với các loại thuốc bôi tại chỗ để trị nấm, bố mẹ nên test trước 1 lượng nhỏ lên da và sử dụng khi không có phản ứng dị ứng thuốc.

Với thuốc uống, cần tuân thủ liều lượng và hướng dẫn từ bác sĩ, không sử dụng một loại thuốc nào kéo dài quá lâu tránh tình trạng nhờn thuốc, bệnh dễ tái phát.

Chú ý khi điều trị nấm da đầu bằng thuốc cho trẻ em cần theo dõi và báo cáo với bác sĩ ngay nếu có các biểu hiện bất thường nghi ngờ do tác dụng phụ của thuốc.

Trị nấm da đầu cho trẻ em bằng biện pháp thiên nhiên

Để hỗ trợ quá trình điều trị nấm da đầu bằng biện pháp y tế, chúng ta có thể kết hợp áp dụng các biện pháp tự nhiên tại nhà. Các phương pháp từ nguyên liệu thiên nhiên thường an toàn, không có tác dụng phụ và giúp cải thiện các triệu chứng của bệnh nấm da đầu, rút ngắn thời gian điều trị. Một số biện pháp thiên nhiên trị nấm da đầu ở trẻ em có thể áp dụng dễ dàng như:

Dùng bồ kết

Bồ kết là thảo dược chăm sóc tóc cổ truyền đã được ông cha ta sử dụng từ nhiều đời nay. Theo các nghiên cứu khoa học bồ kết chứa hàm lượng lớn saponin và flavonoid là những chất diệt khuẩn, ức chế nấm phát triển. Cha mẹ có thể dùng bồ kết để nấu nước gội đầu cho con, giúp cải thiện các triệu chứng ngứa ngáy, cung cấp độ ẩm cho da đầu và chữa lành các nhiễm trùng da do bị nấm.

Cách làm như sau:

  • Dùng quả hoặc gai bồ kết đã phơi khô đem nướng lên cho có mùi thơm.
  • Rửa sạch bồ kết, sau đó vò vụn và cho vào nồi nước đun sôi trong 2 phút.
  • Chắt nước bồ kết, lọc bỏ bã và pha loãng với nước lạnh để nhiệt độ nước vừa phải.
  • Gội đầu cho trẻ bằng nước bồ kết hàng ngày nếu có thể.

Dùng chanh

Trị gàu mảng bằng chanh

Chanh có thể được dùng như một nguyên liệu trị nấm bởi chanh chứa axit hữu cơ có khả năng diệt vi khuẩn, nấm. Đồng thời trong trong quả chanh cũng chứa các loại vitamin và khoáng chất có khả năng kiểm soát tiết bã nhờn, chống oxy hóa giúp củng cố hàng rào bảo vệ tự nhiên của da đầu.

Cách dùng chanh trị nấm da đầu cho trẻ em như sau:

  • Để kìm bớt tính axit của nước cốt chanh, hạn chế làm tổn thương da đầu chúng ta nên kết hợp chanh và dầu dừa.
  • Vắt lấy nước cốt từ một quả chanh tươi, trộn cùng 2 – 3 thìa dầu dừa. Dùng bông thấm hỗn hợp chanh và dầu dừa thoa nhẹ nhàng lên vùng da đầu bị nấm.
  • Sau 15 phút hãy gội lại đầu thật sạch.  Áp dụng cách làm này  2 – 3 lần mỗi tuần để đạt được hiệu quả trị nấm mong muốn.

Dùng cây chó đẻ

Cây chó đẻ hay cây chó đẻ răng cưa là một loài cây mọc dại nhưng có rất nhiều tác dụng tuyệt vời trong việc chữa bệnh. Theo y học cổ truyền cây chó đẻ có vị đắng tính mát, dùng làm vị thuốc tiêu độc, sát trùng, tiêu viêm, tán ứ, thông huyết mạch và lợi tiểu.

Đối với việc chữa trị nấm đầu ở trẻ em, dùng cây chó đẻ để gội đầu giúp làm sạch da đầu, sát trùng, giảm viêm nhiễm, lở loét, mụn nhọt.

Cách làm như sau

  • Dùng 1 nắm lá và thân cây chó đẻ đem rửa sạch với nước rồi đem nấu với nước cho sôi.
  • Đổ nước lá ra một chiếc thau và pha loãng với nước nguội.
  • Gội đầu và massage da đầu nhẹ nhàng với nước lá cây chó đẻ.

Dùng muối

Muối có tính sát khuẩn, tiệt trùng thường được dùng để rửa vết thương, giảm nhiễm trùng. Vì thế, nếu bị nấm da đầu, chúng ta có thể dùng muối để hỗ trợ việc điều trị như sau:

  • Dùng muối pha với nước để tạo một dung dịch nước muỗi loãng vừa phải, tỷ lệ khuyến khích là pha 9g muối với 1 lít nước.
  • Dùng nước muối để gội đầu 3 – 4 lần/tuần để da đầu luôn sạch sẽ, giảm nấm ngứa, viêm loét.

Dùng tinh dầu tràm trà

Các tác dụng to lớn của tinh dầu tràm trà đối với sức khỏe và làm đẹp là không thể bỏ qua. Một trong số đó là khả năng trị nấm, diệt khuẩn đã được các nghiên cứu khoa học công nhận. Dùng tinh dầu tràm trà để trị nấm da đầu ở trẻ em cũng là cách hiệu quả để giảm nhanh mức độ viêm nhiễm và hỗ trợ tiêu diệt các loài nấm ký sinh gây bệnh.

Cách dùng như sau:

  • Pha 3 – 5 giọt tinh dầu tràm trà với 1 thìa dầu dừa hoặc dầu oliu.
  • Thoa hỗn hợp tinh dầu trên lên vùng da đầu bị nấm của bé, thoa đều và nhẹ nhàng cho tinh chất thấm sâu.
  • Sau 15 phút, gội đầu lại cho bé với nước ấm và dầu gội.

Những biện pháp cải thiện tình trạng nấm đầu cho trẻ bằng nguyên liệu thiên nhiên mang lại những hiệu quả nhất định nếu được áp dụng đều đặn và đúng cách. Các bậc cha mẹ khi thực hiện những biện pháp này để chữa nấm cho con cần đảm bảo vệ sinh và thao tác nhẹ nhàng, tránh gây tổn thương trên da của bé.

Một số lưu ý trong quá trình điều trị và cách phòng ngừa nấm da đầu ở trẻ em

  • Cắt tỉa tóc cho bé thật gọn gàng để thuận lợi cho việc điều trị.
  • Giữ vệ sinh cơ thể bằng cách tắm gội cho bé thường xuyên.
  • Dặn dò bé không nên gãi da đầu để tránh gây trầy xước, lây lan nấm ra các khu vực khác.
  • Vệ sinh các đồ dùng cá nhân, giặt giũ quần áo, mũ, chăn, ga, gối, khăn của bé thật sạch và phơi khô dưới nắng.
  • Khi đã điều trị khỏi bệnh nấm đầu ở trẻ nhỏ, cần duy trì các thói quen vệ sinh da đầu cho bé thật sạch sẽ để phòng ngừa bệnh tái phát.
  • Trẻ nhỏ thường hiếu động, chạy nhảy hoạt động nhiều dẫn đến da đầu nhiều mồ hôi, tốt nhất nên cho con tắm gội mỗi ngày.
  • Hướng dẫn bé cách phòng tránh bị lây nhiễm nấm da đầu bằng cách không dùng chung đồ dùng cá nhân như mũ nón, lược chải tóc, khăn… với người khác.
  • Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với động vật mang mầm bệnh. Nếu gia đình nuôi thú cưng nên giữ vệ sinh cho chúng và chữa trị nếu thú nuôi có dấu hiệu bị nhiễm trùng nấm.
  • Tăng cường sức khỏe hệ miễn dịch cho bé bằng chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, khuyến khích bé uống nhiều nước.

Qua bài viết này mong rằng các bậc phụ huynh đã nắm được các thông tin cần thiết liên quan đến bệnh nấm da đầu ở trẻ em. Từ đó, bố mẹ giúp con điều trị hoặc phòng ngừa bệnh hiệu quả.

Hashtags
0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
Bài liên quan
CÁC SẢN PHẨM