Bệnh trứng tóc là gì? Cách trị trứng tóc hiệu quả

11:07 - 19.04.2023 - Tác giả: Dầu gội dược liệu Nguyên Vương

Ngày cập nhập 25/09/2023 lúc 13:32

Trên tóc có nhiều đốm đen trắng cứ ngỡ là gàu ống hay trứng chấy nhưng thực tế lại là bệnh trứng tóc do nấm gây ra. Để biết được bệnh trứng tóc thực chất là gì, cách trị trứng tóc ra sao, mời các bạn theo dõi chi tiết bài viết sau đây.

Bệnh trứng tóc là gì?

Bệnh trứng tóc là một loại bệnh trên sợi tóc do nấm Trichosporon beigeliiPiedraia hortae gây ra. Sau khi kí sinh trên tóc, nấm bắt đầu phát triển trong lớp biểu bì của thân tóc rồi lan dọc theo sợi tóc.

Người ta nhận thấy rằng hai loại nấm trên thường ảnh hưởng đến tóc thẳng, trong khi ở những người có tóc xoăn thì ít phổ biến hơn.

Bệnh không chỉ xuất hiện ở tóc mà còn có thể phát triển ở các vùng lông khác trên cơ thể như râu, lông mu, lông nách.

Bệnh trứng tóc được chia làm 2 loại:

Trứng tóc trắng:

Hình ảnh trứng tóc trắng

Trứng tóc trắng do nấm Trichosporon beigelii gây ra, được các bác sĩ mô tả vào đầu năm 1866.

Ngoài loại nấm này, những loại khác thuộc chi Trichosporon cũng có thể gây bệnh như: Trichosporon giganteum; Trichosporonovale; Trichosporon cerebriforme.

Bào tử Trichosporon beigelii nằm xung quanh tóc, chỉ một phần nhỏ của nấm xâm nhập qua lớp biểu bì tóc.

Biểu hiện của bệnh là các nốt màu trắng hoặc nâu, hình bầu dục, bám ở nhiều đoạn khác nhau trên thân tóc. Nếu bạn làm ẩm tóc thì các đốm này sẽ trương phồng lên to hơn.

Trứng tóc trắng phổ biến hơn ở nam giới, những người để ria mép hoặc thường xuyên sử dụng các sản phẩm bôi trơn tóc.

Bệnh trứng tóc trắng có thể xuất hiện ở nhiều nơi trên khắp thế giới, với các điều kiện thời tiết, khí hậu khác nhau nhưng phổ biến nhất là ở Châu Âu, Hoa Kỳ và Nam Mỹ, Đông Nam Á và Nhật Bản, Châu Phi.

Trứng tóc đen:

Hình ảnh trứng tóc đen

Trứng tóc đen do nấm Piedraia hortae gây ra. Biểu hiện của bệnh là các đốm đen, cứng, kích thước 1-2mm, nằm rải rác ở nhiều đoạn khác nhau trên sợi tóc. Trứng tóc đen bám rất chắc và khó loại bỏ.

Bệnh trứng tóc đen có thể xuất hiện ở cả 2 giới, nhưng phổ biến hơn ở phụ nữ trẻ.

Bệnh trứng tóc đen thường gặp ở những người sống tại các vùng có khí hậu nhiệt đới nóng ẩm như Đông Nam Á, Trung Mỹ, Nam Mỹ.

Tìm hiểu nguyên nhân của bệnh trứng tóc

Như đã nói ở trên, hai tác nhân gây ra bệnh trứng tóc là nấm Trichosporon beigelii và nấm Piedraia hortae.

Hai loại nấm này có thể lây lan từ tóc và da đầu của người này sang người kia thông qua việc dùng chung lược, mũ, gối, ga trải giường. Đôi khi, nấm cũng có thể lây qua tóc của người bình thường khi họ tiếp xúc với lông của động vật mang nấm.

Khả năng lây lan của bệnh tăng lên khi có độ ẩm và nhiệt độ cao và những người có cơ địa tiết nhiều mồ hôi.

Việc không tuân thủ các quy tắc vệ sinh cá nhân (lười gội đầu) tạo điều kiện cho nấm trứng tóc phát triển. Ngoài ra, trứng tóc cũng có thể hình thành ở những người suy nhược cơ thể do mắc bệnh đái tháo đường, các loại suy giảm miễn dịch và bệnh ung thư.

Bệnh trứng tóc có nguy hiểm không?

Nói chung, bệnh trứng tóc không nguy hiểm và không làm tổn thương da đầu nhưng sẽ ảnh hưởng nhiều tới yếu tố thẩm mỹ và sự khó chịu khi chải tóc, vuốt tóc.

Nếu như không vệ sinh da đầu sạch sẽ, các nốt sần ở các sợi tóc khác nhau thể dính vào nhau, trông như một bó rơm khô.

Trong trường hợp không điều trị, cũng như khi có các bệnh đồng thời (đái tháo đường, suy giảm miễn dịch, khối u ác tính), thì có thể sẽ gây ra tình trạng rụng tóc, hói đầu và tổn thương các cơ quan nội tạng do nấm.

Phương pháp chẩn đoán và điều trị bệnh trứng tóc

Chẩn đoán

Thông thường, các bác sĩ sẽ tiến hành quá trình hỏi bệnh để biết được người bệnh có tiếp xúc với nguồn lây nhiễm nào không, có sinh hoạt chung với người bệnh khác, tiếp xúc với vật nuôi hoặc đi du lịch gần đây hay không,…

Quan sát trực tiếp bằng mắt thường sẽ thấy các đốm đen hoặc trắng dày đặc có kích thước 1-2 mm. Khi uốn phần tóc bị ảnh hưởng, có thể nghe thấy tiếng lạo xạo do cấu trúc của nấm bị phá hủy.

Tiếp đó, bác sĩ sẽ kiểm tra mẫu tóc trên kính hiển vi và nuôi cấy nấm trong môi trường Sabouraud để xác định loại nấm gây bệnh.

Trứng tóc cũng là dấu hiệu cho thấy một người có thể đang mắc gây suy giảm miễn dịch. Chính vì điều này nên bác sĩ thường khuyên bệnh nhân thực hiện thêm các xét nghiệm cận lâm sàng khác để phát hiện bệnh lý tiềm ẩn.

Cách điều trị bệnh trứng tóc

Cách đơn giản và hiệu quả nhất để điều trị trứng tóc là cạo sạch tóc. Sau khi tóc mới mọc khỏe mạnh trở lại sẽ không bị nhiễm nấm nữa.

Tuy nhiên, không phải đa số bệnh nhân muốn thực hiện phương pháp này vì lý do thẩm mỹ, nhất là phụ nữ. Do đó, những người không muốn cạo tóc có thể áp dụng phương pháp điều trị sau:

  • Cắt tóc ngắn hơn (mà vẫn đảm bảo về thẩm mỹ)
  • Gội đầu bằng dầu Nizoral hoặc Sastid.
  • Sau khi gội, bôi các thuốc chống nấm như BIS 2%, dung dịch Nitrofungin, mycoster hoặc formalin.

Thời gian điều trị trứng tóc sẽ khác nhau tùy thuộc vào mức độ hư tổn của tóc, nhưng thường là ít nhất một tháng.

Lưu ý: Điều trị bệnh trứng tóc cần sử dụng dầu gội đặc trị cũng như các loại thuốc có khả năng kháng nấm mạnh mẽ, vì vậy việc áp dụng các mẹo dân gian, sử dụng nguyên liệu thiên nhiên không phát huy hiệu quả trong việc điều trị trứng tóc.

Kết luận:

Bệnh trứng tóc không khó điều trị, quan trọng là bạn tuân thủ nghiêm túc việc vệ sinh và chăm sóc tóc, đồng thời dùng thuốc theo liệu trình của bác sĩ.

Hashtags
0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
Bài liên quan
CÁC SẢN PHẨM