4 bệnh về da đầu thường gặp – triệu chứng, nguyên nhân, điều trị

16:16 - 02.05.2023 - Tác giả: Dầu gội dược liệu Nguyên Vương

Ngày cập nhập 23/09/2023 lúc 16:11

Nếu bạn thường xuyên cảm thấy ngứa ngáy, khó chịu trên da đầu thì rất có thể bạn đang gặp phải một trong bốn bệnh về da đầu thường gặp dưới đây. Hãy cùng Nguyên Vương tìm hiểu chi tiết triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị các bệnh về da đầu phổ biến nhé.

Vảy nến (psoriasis)

Vảy nến là một bệnh về da đầu mãn tính, không chỉ có ở da đầu mà còn ảnh hưởng tới nhiều vùng da khác nhau trên cơ thể, đôi khi có thể là khớp và các cơ quan nội tạng.

Triệu chứng:

Bệnh vảy nến da đầu có biểu hiện đầu tiên là sự xuất hiện của các các sẩn nhỏ kích thước 3-5mm, màu hồng tươi. Kích thước tăng dần, chúng được bao phủ bởi các vảy màu bạc và hợp nhất thành các mảng lớn hơn khiến người bệnh rất ngứa ngáy.

Nguyên nhân:

Hiện nay, nguyên nhân chính xác của bệnh vảy nến vẫn chưa được tìm hiểu rõ ràng, người ta chỉ có thể thấy được mối liên quan với một số yếu tố nguy cơ gồm có:

  • Sự phát triển của nấm mycoplasma
  • Căng thẳng quá độ
  • Vảy nến có thể khởi phát ở những bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch, đái tháo đường, bệnh tuyết giáp hoặc rối loạn chuyển hóa lipid và protein

Bệnh vẩy nến không lây nhiễm nhưng có khuynh hướng di truyền. Bệnh gây ra cảm giác ngứa ngáy cực kỳ khó chịu, ảnh hưởng tới tâm lý và chất lượng sống nói chung.

Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh vẩy nến bắt đầu ảnh hưởng tiêu cực đến các cơ quan và hệ thống quan trọng: khớp, tim, thận và hệ thần kinh.

Điều trị:

Bệnh vảy nến có thể chữa khỏi nếu phát hiện và điều trị đúng phác đồ từ sớm. Hiện nay, bệnh có thể chữa bằng các loại dẫn xuất vitamin A, thuốc ức chế miễn dịch, thuốc mỡ có thành phần chống viêm và quang trị liệu.

Viêm da tiết bã (seborrheic dermatitis)

Da đầu là nơi tập trung nhiều tuyến bã, tuyến bã tiết ra chất nhờn – một chức năng sinh lý bình thường của da. Tuy nhiên nếu tuyến bã tiết ra quá mức sẽ khiến bã nhờn tích tụ trên da, gây viêm da.

Triệu chứng:

Khi đó, da đầu sẽ xuất hiện một mảng da đỏ, được bao phủ bởi lớp vảy lớn có màu trắng hoặc vàng bám trên da đầu và tóc, kèm theo ngứa nhẹ, rụng tóc. Vùng viêm da có thể lan rộng đến tai, mũi.

Nguyên nhân:

Viêm da tiết bã rất phổ biến ở cả người lớn và trẻ em. Có 3 thời kỳ mà bệnh có thể xuất hiện nhiều nhất đó là:

  • Độ tuổi sơ sinh (dân gian thường gọi là tình trạng cứt trâu trên da đầu)
  • Tuổi dậy thì (bệnh phát triển do sự thay đổi mạnh mẽ của nội tiết tố)
  • Độ tuổi trung niên (từ 40  – 60 tuổi)

Nam giới có tuyến dầu hoạt động mạnh hơn phụ nữ, nên họ là đối tượng mắc bệnh thường xuyên hơn.

Bên cạnh đó, di truyền, stress và suy giảm miễn dịch cũng là những yếu tố nguy cơ hình thành bệnh. Do viêm da tiết bã da đầu có liên quan tới sự suy giảm miễn dịch nên nó là một trong những biến chứng phổ biến nhất ở những người bị HIV/AIDS (có 40 – 80% bệnh nhân HIV/AIDS bị viêm da tiết bã).

Điều trị:

Viêm da tiết bã là bệnh mãn tính, dễ tái phát, khó chữa khỏi hoàn toàn, nên mục tiêu điều trị là nhằm kéo dài thời gian thuyên giảm.

Bệnh được điều trị bằng các chất chống viêm, kháng khuẩn và kháng nấm. Các chế phẩm kết hợp có chứa glucocorticosteroid, kháng sinh và thuốc diệt nấm có hiệu quả cao.

Viêm da tiết bã cũng được điều trị bằng các loại thuốc sau: axit azelaic, kẽm perithione và thuốc ức chế calcineurin tại chỗ (pimecrolimus, tacrolimus).

Nấm da đầu (tinea capitis)

Bệnh nấm da đầu do 2 loại nấm ký sinh Trichophyton và Microsporum gây ra. Chúng có khả năng ảnh hưởng đến các nang tóc và tuyến bã nhờn. Tuy nấm da đầu không nguy hiểm đến tính mạng, nhưng ảnh hưởng nghiêm trọng về mặt thẩm mỹ.

Triệu chứng:

  • Ngứa, sưng và đỏ da dọc theo rìa chân tóc.
  • Da sừng hóa, bong tróc vảy
  • Rụng tóc tự nhiên.
  • Xuất hiện mụn mủ ở nang lông.
  • Hình thành các vết thương giống như bệnh chàm ở ranh giới mọc tóc.

Nếu như nhiễm nấm nặng lâu ngày người bệnh có thể bị suy giảm sức khỏe nói chung, hay bị sốt, nổi hạch, phát ban lan rộng toàn bộ da đầu và có sự hình thành các khối giống như u cục.

Nguyên nhân:

Nấm da đầu là bệnh về da đầu có khả năng lây lan. Ban đầu các bào tử nấm khi gặp điều kiện thuận lợi sẽ phát triển thành sợi nấm gây bệnh. Sợi nấm ký sinh trên vật chủ và sản sinh bào tử lây nhiễm sang vật chủ khác. Bệnh nấm có khả năng lây nhiễm kéo dài khi mà chỉ vảy da của bệnh nhân nấm rơi rụng cũng có thể lưu giữ trên các vật dùng và lây nhiễm trong hàng tháng hoặc hàng năm.

Các loại nấm gây bệnh nấm da đầu có đặc tính ưa môi trường nóng ẩm với nhiệt độ khoảng 25 – 30 độ C, độ ẩm cao, độ pH từ 6,9 đến 7,2 là điều kiện lý tưởng để nấm phát triển. Vì thế, các yếu tố sau đây góp phần khiến nấm da đầu dễ xâm nhập và bùng phát gây bệnh:

  • Vệ sinh da đầu không sạch sẽ
  • Thói quen để tóc ướt khi đi ngủ
  • Thời tiết nóng ẩm, đổ mồ hôi nhiều
  • Đội mũ, nón, khăn quá chật và không giặt thường xuyên
  • Những người xung quanh bị nấm
  • Người có hệ miễn dịch suy yếu do các bệnh lý hoặc dùng thuốc
  • Người có cơ địa da đầu dầu, bị các bệnh chàm, viêm da tiết bã…
  • Dùng chung đồ vật cá nhân như mũ, lược, chăn, gối với người bệnh
  • Thú cưng trong nhà đang bị nấm
  • Môi trường sống ẩm ướt, nguồn nước ô nhiễm

Điều trị:

Các loại thuốc trị nấm da đầu hiệu quả bao gồm:

Thuốc bôi trị nấm tại chỗ chứa Ketoconazole dùng kết hợp với các loại dầu gội kháng nấm chứa Selenium Sulfate. Chú ý thuốc bôi Ketoconazole trị nấm da đầu cần được chỉ định và kê đơn bởi bác sĩ chuyên khoa, không tự ý dùng bừa bãi.

Thuốc trị nấm đường uống hiệu quả với nấm da đầu thường bao gồm Griseofulvin, Fluconazole, Itraconazole, Terbinafine,… Thuốc đường uống có nhiều nguy cơ gây tác dụng phụ không tốt cho sức khỏe, vì thế cần tuân thủ liều lượng và hướng dẫn từ bác sĩ khi sử dụng.

Viêm nang lông da đầu (folliculitis)

Viêm nang lông da đầu là một bệnh lý liên quan tới rối loạn viêm của cơ thể. Biểu hiện đặc trưng của nó là các mụn mủ đỏ có chứa mủ trên da đầu, rất ngứa ngáy.

Triệu chứng:

Ở giai đoạn đầu của bệnh, các nốt mụn này có thể bị nhầm lẫn với mụn trứng cá thông thường. Nhưng khi không được điều trị kịp thời, viêm có thể lan rộng tới toàn bộ nang tóc, tiến triển sâu vào bên trong gây chảy mủ, chốc lở và đóng vảy.

Nguyên nhân:

Nguyên nhân của bệnh thường là do các yếu tố sau:

  • Viêm nang lông có thể do nhiễm khuẩn, nấm hoặc virus
  • Các tác nhân gây ra kích ứng da, như bã nhờn, bụi bẩn hoặc sản phẩm dưỡng tóc không phù hợp, cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc viêm nang lông.

Điều trị:

Khi bị viêm nang lông tóc, bệnh nhân sẽ được kê đơn thuốc kháng sinh hoặc thuốc bôi chống nấm (Nizoral, Canesten, Mycoster… ). Bên cạnh đó, khi chăm sóc tóc  tại nhà cũng có thể sử dụng các loại dầu gội trị nấm da đầu.

Nói chung, người bệnh cần kiên nhẫn và tiếp tục sử dụng thuốc trong thời gian quy định, ngay cả khi triệu chứng đã hết để ngăn ngừa tái phát bệnh. Bên cạnh đó, việc giữ sạch sẽ da đầu rất quan trọng khi điều trị nấm, đặc biệt không đi ngủ hoặc đội mũ khi tóc ẩm ướt, tránh buộc tóc quá chặt.

Kết luận:

Bệnh da đầu là một vấn đề thường gặp ở nhiều người, đặc biệt dễ phát triển khi thời tiết nóng ẩm hoặc trong điều kiện vệ sinh, chăm sóc tóc thiếu sạch sẽ. Đối với cánh mày râu, dùng Dầu gội dược liệu Nguyên Vương để gội đầu mỗi ngày sẽ giúp phái mạnh cải thiện sức khỏe cho tóc và da đầu từ gốc, từ đó bản thân tóc và da đầu đã có khả năng bảo vệ tự nhiên, giúp giảm thiểu sự tấn công của các yếu tố có hại như vi khuẩn, nấm gây bệnh.

Để hỗ trợ điều trị bệnh nấm da đầu chúng ta có thể kết hợp dùng Dầu gội dược liệu Nguyên Vương xen kẽ khi dùng dầu gội đặc trị nấm.

Xem chi tiết thông tin sản phẩm TẠI ĐÂY

Hashtags
0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
Bài liên quan
CÁC SẢN PHẨM